Nếu bạn hỏi bất kỳ người nào mô tả hoặc phác họa một cây đàn guitar điện, rất có khả năng họ sẽ nghĩ ra thứ gì đó giống với Fender Stratocaster hoặc Gibson Les Paul. Hai cây đàn guitar này đã in sâu vào tâm thức chung của chúng ta. Kể từ khi được giới thiệu vào những năm 1950, Stratocaster và Les Paul đã thống trị thế giới guitar điện. Cả hai đều mang đến những cải tiến mang tính cách mạng về khả năng chơi và hiệu suất âm thanh. Mỗi cây đàn là một thiết kế hoàn toàn khác biệt để có thể mang đến cho người dùng một chất âm rất riêng và cả cảm giác chơi của chúng hoàn toàn khác biệt. Chính vì sự khác biệt thú vị đã tạo hẳn 2 trường phái người chơi guitar điện khác nhau, do đó thông qua blog này, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu được đâu là mẫu đàn guitar điện dành cho bạn?
Chiều Dài Âm Giai (Scale Length)
Một điểm khác biệt lớn giữa Stratocaster và Les Paul là chiều dài âm giai (scale length) - tức là khoảng cách dây đàn tính từ lược đàn (nut) đến ngựa đàn (bridge). Les Paul có chiều dài thang âm ngắn hơn với 24.75 inch, trong khi Stratocaster dài hơn với 25.5 inch. Sự khác biệt này ảnh hưởng trực tiếp đến cả âm thanh và phong cách chơi đàn.
- Chiều dài âm giai dài hơn của Stratocaster: tạo ra âm thanh sáng hơn, trong hơn
- Chiều dài âm giai ngắn hơn của Les Paul: phần nào tạo nên âm thanh tròn trịa, ấm áp hơn.
Cấu Hình Pickup
Ngoài sự đa dạng về cấu hình pickup và tùy chọn chuyển đổi hiện đại, cách sắp xếp pickup truyền thống chính là điểm then chốt tạo nên sự khác biệt giữa hai huyền thoại guitar điện: Stratocaster và Les Paul.
Stratocaster
- Stratocaster truyền thống được trang bị ba pickup single-coil gắn lần lượt ở các khu vực cần đàn (neck)- giữa (middle)- ngựa đàn (bridge).
- Pickup single-coil tạo ra âm thanh sáng hơn, sắc nét hơn và dễ dàng nổi bật trong các bản phối nhiều nhạc cụ. Tuy nhiên, cấu hình pickup này có nhược điểm dễ bị nhiễu điện từ trường gây ra tiếng ù.
- Xét về phong cách chơi, single-coil thường phù hợp với nhạc blues, funk, surf và country.
Les Paul
- Les Paul truyền thống có hai pickup humbucker được trang bị ở khu vực cần đàn và khu vực ngựa đàn.
- Pickup humbucker được thiết kế để loại bỏ tiếng ồn và mang đến chất âm dày hơn, trầm hơn so với single-coil.
- Ngược lại, humbucker thường được sử dụng trong các phong cách nhạc mạnh mẽ như heavy rock, metal và jazz.
Như một bản giao hưởng đầy ngẫu hứng, âm nhạc không bị gò bó bởi những quy tắc cứng nhắc. Cả Stratocaster và Les Paul, mặc dù sở hữu những điểm khác biệt trong cấu hình pickup, 2 mẫu đàn này vẫn mang đến khả năng biến hóa âm thanh vô cùng linh hoạt. Do đó, không nhất thiết phải phân vân loại pickup này có phù hợp với thể loại nhạc kia không? Âm thanh là cuộc hành trình bất tận và thú vị.
Thân Đàn (Body)
Điểm độc đáo của Stratocaster chính là hai đường khoét khuyết (cutaway) bất đối xứng. Không chỉ mang đến vẻ ngoài thẩm mỹ ấn tượng, những đường cắt này còn giúp người chơi dễ dàng chinh phục những nốt cao chót vót trên cần đàn, mở rộng ranh giới sáng tạo âm nhạc. Stratocaster được ưa chuộng bởi thiết kế thân đàn mỏng hơn được tạo dáng từ một tấm gỗ nguyên khối thường là gỗ Ash (gỗ sồi) hoặc gỗ Alder (gỗ tần bì)
Ngược lại, Les Paul sở hữu thiết kế khoét khuyết (cutaway) đơn giản hơn, thể hiện sự mạnh mẽ và chắc chắn. Tuy chỉ có một bên khuyết, Les Paul vẫn đảm bảo khả năng tiếp cận các nốt cao khi cần thiết, phù hợp với những nghệ sĩ yêu thích phong cách chơi dứt khoát, đầy nội lực. Les Paul được yêu thích bởi thân đàn dày và nặng hơn, làm từ gỗ mahogany (gỗ dái ngựa), thường đi kèm với mặt đàn chạm khắc bằng gỗ maple (gỗ phong). Điều này cũng dẫn đến việc sản xuất của Les Paul phức tạp hơn so với Stratocaster.
Cần Đàn (Neck)
Cần đàn (neck) của Stratocaster mỏng hơn một chút so với Les Paul, phù hợp hơn với những người chơi có bàn tay nhỏ. Phím đàn (fretboard) của Stratocaster có độ cong nhẹ, tạo cảm giác tròn trịa và thoải mái hơn cho một số người chơi. Stratocaster sử dụng kiểu ghép nối (bolt-on neck), giúp đơn giản hóa sản xuất nhưng vẫn đảm bảo kết nối chắc chắn.
Tuy nhiên, một số người chơi khác lại thích cảm giác chắc chắn của cần đàn do Les Paul chế tác, giúp người chơi dễ dàng uốn cong dây đàn (note bending). Les Paul sử dụng kiểu ghép chìm (set-in neck) cần kỹ thuật cao hơn để sản xuất. Cần đàn chìm của Les Paul, cùng với các pickup humbucker, góp phần tạo nên âm sắc ấm hơn và độ ngân vang (sustain) dài hơn cho mẫu đàn.
Tailpiece/Ngựa Đàn
Stratocaster sở hữu thiết kế ngựa đàn độc đáo với một khối liền mạch cùng các yên ngựa (saddles) có thể điều chỉnh riêng lẻ cho từng dây. Nhờ vậy, người có thể dễ dàng setup và chỉnh intonation (độ chính xác âm thanh) của từng dây, đảm bảo âm thanh luôn trong trẻo và ngân vang. Cần nhún trên Stratocaster là một công cụ đắc lực giúp nghệ sĩ guitar tạo nên những hiệu ứng âm thanh độc đáo và đầy cảm xúc. Khả năng bẻ dây (string-bending) linh hoạt mang đến những giai điệu uốn lượn, ngân nga, hay những đoạn solo đầy cảm hứng. Tuy nhiên cần nhún Stratocaster cũng tiềm ẩn một nhược điểm, việc sử dụng quá nhiều cần nhún có thể khiến dây đàn bị lệch tone.
Hầu hết đàn Les Paul được trang bị ngựa đàn cố định Tune-o-matic của Gibson với hai núm điều chỉnh và một thanh ngang ở giữa chứa các saddle riêng lẻ. Dây đàn sau đó được neo vào bộ phận giữ dây cuối (stop bar tailpiece). Cấu trúc này được nhiều người chơi đánh giá cao về khả năng giữ dây ổn định ở đúng tone.
Vậy Kết Luận, Đâu Là Mẫu Đàn Dành Cho Bạn?
Stratocaster và Les Paul là những mẫu đàn hàng đầu vì những điiểm mạnh riêng biệt. Mặc dù sở hữu cá tính và phong cách chơi riêng biệt, cả hai đều là những cây đàn guitar đa năng đáng kinh ngạc. Nếu bạn đang phân vân giữa hai lựa chọn này và có đủ ngân sách, thì việc sở hữu cả hai cũng không có gì sai!